Cùng độ tuổi, cùng trong một quán ăn nhưng 2 đứa trẻ lại có 2 “nhiệm vụ” khác nhau.
Vẫn như những tối rảnh, tôi hay lướt facebook xem tình hình “thế giới”. Đập vào mắt tôi là hình ảnh khá đối lập giữa hai đứa bé bằng tuổi trong câu chuyện của bạn tôi.
Cậu bảo hôm qua đi ăn gặp cảnh này, bỗng dưng nghẹn lại chẳng nuốt trôi nữa. Cảm giác lúc ấy trào lên là sự bất lực, đôi chút chạnh lòng và thấy trong tim mình hơi nhói.
Có lẽ ngòi bút của tôi cũng chẳng tả hết được nỗi lòng cậu lúc ấy đâu. Chỉ biết rằng đã rất lâu rồi sự chống chếnh mới khiến cậu day dứt như thế này.
Chỉ tình cờ ghé qua quán ăn để trú mưa nhưng hình ảnh ấy lại để cả một khoảng trống trong tâm hồn bạn tôi đến thế.
Hai đứa trẻ, nhìn qua có lẽ là cùng độ tuổi và chúng cùng ở trong một quán ăn. Điều khiến bạn tôi thấy nhói lòng là vị trí của chúng quá khác biệt. Một thằng bé được bố dẫn đi ăn, gắp từng miếng và hỏi: “Con ăn có no không?”
Thằng bé còn lại gục đầu xuống bàn vì mệt mỏi, có khách nó nhường chỗ, khó khăn đứng lên để dọn đống thức ăn, bát đĩa vương vãi trên bàn trong tiếng quát nạt của bà chủ: “Dọn bàn đi còn nằm đấy mà ngủ à?”. Nó là thằng chạy bàn.
Bạn tôi không nói chuyện với thằng bé chạy bàn, chỉ buông đôi đũa và lặng im quan sát nó. Bạn tôi day dứt vì ở tuổi ấy, thằng bé đáng lẽ đang ngồi cặm cụi học bài hoặc một tối cuối tuần, nó được bố mẹ đưa đi chơi, đi ăn như người bạn đối diện.
Có lẽ nó phải dậy từ rất sớm, và đến lúc này, cái cơ thể thèm được ăn được ngủ cũng đã kiệt sức rồi.
Bạn tôi bảo ở quán còn một thằng bé chạy bàn cũng gần như cùng tuổi nhau. Lúc nó phục vụ cho bàn bố con kia không biết nó có buồn không.
Nhưng bạn tôi thì buồn thay nó!
Hình ảnh đối lập đến đau lòng ấy khiến bạn tôi phải viết ngay những tâm tư của mình, như một thói quen lên trang facebook. Không phải để câu like, để tăng lượt follow. Mà chỉ đơn giản là muốn chia sẻ đến mọi người.
Tôi, hay nhiều bạn đọc ở đây chắc chắn cũng chẳng thấy chẳng xa lạ với những đứa trẻ phải vật lộn với cuộc đời từ rất sớm thế này.
Nếu ngồi ăn ở quán vỉa hè, những tiếng chào mời: “Cô/chú ơi mua kẹo cho cháu!” cứ dai dẳng và đều đặn cất lên từ những tấm thân gầy guộc, đen đúa và lem nhem.
Đôi lúc tôi lắc đầu, đôi lúc tôi mua, đôi lúc tôi lại kéo cái ghế bảo chúng nó ngồi xuống ăn cùng vì thấy đôi mắt chúng nó hau háu vào mấy đĩa thịt đang bày trên bàn.
Có lần tôi thấy cả dãy bàn chẳng ai mua lấy 1 phong kẹo, nhưng vì người ta biết đằng sau là cả một thế lực nào đó, hay người ta vô tình. Tôi chẳng rõ! Chỉ biết số phận được sắp đặt cả. Thế nhưng vẫn thấy đôi chút nhói đau!