Kết luận của bác sỹ “con bị tự kỷ sốc tâm lý do bố mẹ hay quát mắng, bắt học quá sớm” như sét đánh giữa trời quang với người mẹ của cậu con trai tinh nghịch, khôi ngô này.
Là mẹ của hai bé trai kháu khỉnh, đáng yêu, chưa bao giờ chị Đ.T.N (Hà Nội) mảy may nghĩ đến việc con trai bị tự kỷ. Ấy vậy mà mới đây, khi đưa con trai đầu là bé M.P (5 tuổi) đi khám, chị đã bàng hoàng khi nghe bác sĩ chẩn đoán: “Cháu bị tự kỷ sốc tâm lý do bố mẹ hay quát mắng, bắt học quá sớm. Chứng sợ đám đông, sợ khoảng trống dẫn đến việc cắn cụt móng tay mà không biết đau”.
Kể từ giây phút ấy, chị T.N cảm thấy hối hận vô cùng. Chị mệt mỏi tâm sự: “Giờ mình không biết nên làm gì nữa cả. Chắc có khóc cũng chả giải quyết được gì. Tất cả là lỗi ở vợ chồng mình đã đặt quá nhiều kỳ vọng và áp lực lên con cái. Tự nhiên sợ chính mình và cách mình dạy con”.
Cũng giống như biết bao đứa trẻ khác, bé M.P lớn lên hoàn toàn bình thường, không hề có biểu hiện chậm nói, thích chơi một mình hay ngồi trong bóng tối. Trái lại, M.P cũng là cậu bé hay nói hay cười, tinh nghịch, hay chơi với em trai. Vợ chồng chị T.N dù làm công việc kinh doanh bận rộn song vẫn dành thời gian đưa các con đi chơi thường xuyên, khi thì đến trung tâm vui chơi trẻ em, khi đi ăn kem, hóng mát, đi bơi…
Mọi chuyện cứ thế êm đềm trôi đi cho đến năm M.P 3 tuổi. Chị N. nhớ lại, hồi sinh nhật tuổi lên 3 của M.P, chị tổ chức sinh nhật cho con ở công ty. Khi mọi người đem bánh gato ra thắp nến và hát Happy birthday to you thì M.P hoảng sợ, chạy chui vào góc bàn và khóc. Mặc dù trước đó, con đều rất thân quen với các cô chú trong công ty. Đó là dấu hiệu “bất thường” đầu tiên chị N. phát hiện ra ở con, nhưng thời điểm đó cũng như cả đến sau này, chị vẫn không mảy may nghĩ đến việc con có dấu hiệu tự kỷ bởi M.P vẫn rất nghịch ngợm, con cũng không thích chơi một mình mà thích chơi với mọi người.
Tuy nhiên, sau sự kiện sinh nhật ấy, càng ngày M.P càng thể hiện thích đánh các bạn và em trai: “Con như biến thành một con người khác vậy. Khi các bạn và em càng kêu, càng khóc thì con càng đánh hăng. Thấy vậy, mình có đánh và quát mắng con. Nhưng có lẽ, chính việc này đã khiến ‘bệnh’ của con ngày một nặng hơn”.
Khá lâu rồi, chị N. không cắt móng tay cho con, nhưng hễ kiểm tra thì thấy móng tay con đều cụt, chị lại nghĩ chắc cô giáo trên lớp cắt cho. Song các biểu hiện cứ mỗi ngày một “bất thường” hơn khiến chị thực sự lo lắng. Ở trường, con chơi với bạn bè bình thường, nhưng hễ đến giờ xuống sân trường tập thể dục là con lại chạy trốn vào 1 góc. Cô giáo nói khoảng hơn 1 năm nay, con đã không thích tập thể dục.“Đến lúc này, mình vẫn không nghĩ gì vì cứ nghĩ tự kỷ là phải rụt rè, xa lánh bạn bè hay ít nói. Hóa ra tự kỷ có nhiều biểu hiện khác nhau”.
Thời gian gần đây, chị N. có thuê gia sư về dạy kèm chương trình lớp 1 cho M.P tại nhà. Chị cũng tranh thủ thời gian để kèm cặp con: “Những lúc con chậm hiểu, mình hay cáu rồi quát mắng con, nói những câu làm tổn thương con. Mình không biết rằng những việc này đã ảnh hưởng nặng đến tâm lý của con”.
Ngoài ra, chị N. kể, mỗi buổi sáng bố gọi M.P dậy đi học, con cũng hay ê a phải nửa tiếng mới dậy, trong khi công việc của bố mẹ thì rất bận rộn. Thế nên chồng chị hay cầm sẵn một cái roi, con không dậy sẽ vụt nhẹ vào mông. Chị T.N xót xa tâm sự: “Có lẽ vì bố làm vậy thường xuyên nên con bị giật mình, hoảng loạn tâm lý dẫn đến sự việc đau lòng như bây giờ”.
Câu chuyện của chị T.N đã khiến rất nhiều phụ huynh giật mình đến hoảng hồn. Các mẹ tỏ ra thông cảm với chị và cũng tự nhắc nhở bản thân rằng “bớt quát mắng con đi, không ép con học hành quá” nữa. Bởi thực tế, có một mẹ khác chia sẻ con chị cũng từng rơi vào stress rối loạn tâm lý vì áp lực học hành. Còn riêng việc quát mắng con, đã có rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những tác hại to lớn ảnh hưởng đến cả tâm lý và thể chất của trẻ mà phụ huynh không thể xem thường.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, việc trẻ cắn móng tay với thái độ tiêu cực, thường xuyên sẽ ảnh hưởng nặng nề tới thần kinh và sự phát triển não bộ của trẻ. Bởi cắn móng tay được xem là triệu chứng điển hình của stress. Nó cũng được xếp vào một trong những rối loạn kiểm soát xung đột và thường gặp ở các bé trai, độ tuổi từ 5 – 10.
Những đứa trẻ này có thể đang gặp áp lực trong việc học tập dẫn đến tình trạng cắn móng tay. Tuy nhiên, đáng ngạc nhiên là, trẻ không thể biết tại sao mình lại cắn móng tay và khó có thể từ bỏ được thói quen xấu đó.
Theo Phụ nữ Thủ đô